Tăng trưởng lợi nhuận đi đôi với phát triển bền vững cùng mô hình kinh doanh Kids Cafe

Kids’ Cafe – hay cafe/nhà hàng cho gia đình là một mô hình kinh doanh mới nổi, hiện đã có mặt tại các thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn,… Nếu bạn là người yêu trẻ thơ và muốn hướng tới việc xây dựng một môi trường lành mạnh cho các em đi kèm với đam mê kinh doanh ăn uống, Kids Cafe chính là mô hình kinh doanh dành cho bạn.

1. Tại sao lựa chọn mô hình Kids Cafe?

Kids Café là mô hình kinh doanh mà ở đó, đối tượng khách hàng của bạn sẽ là các hộ gia đình có trẻ nhỏ. Thay vì chăm chút cho việc tạo ra những menu đồ ăn và thức uống mới lạ hay không gian check-in, sống ảo cho các bạn trẻ, người chủ kinh doanh Kids’ Cafe cần chú trọng hướng đến việc xây dựng một môi trường lành mạnh cho các em nhỏ và không gian ấm cúng cho một gia đình. Bạn có thể hình dung điều này giống như mô hình vườn trẻ Kids’ City, chỉ khác là mô hình kinh doanh của bạn là mô hình quán cà phê mà thôi.

Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao bạn lại lựa chọn ‘Kids Cafe’, và mô hình này giải quyết vấn đề gì mà các mô hình khác không giải quyết?

Trước tiên chúng ta cần hiểu, đối tượng khách hàng mà Kids Cafe hướng tới thường là các hộ gia đình có con nhỏ. Trong các gia đình này, cha mẹ thường có cuộc sống khá bận rộn, và họ thường chỉ có hai ngày nghỉ cuối tuần (đôi khi thậm chí là một ngày nghỉ) để dành cho con cái. Bởi vậy, họ sẽ muốn tận dụng tối đa thời gian này ở bên con. Việc chỉ dành thời gian cuối tuần ở nhà về lâu dài có thể gây nhàm chán, vì thế, các bậc phụ huynh cũng muốn tìm những môi trường khác để cả gia đình có thể cùng làm một điều gì đó với nhau. Công viên, sở thú, vườn trẻ hay các hoạt động ngoài trời có thể là một lựa chọn tuyệt vời cho các bé, nhưng thường sẽ không có được sự tương tác trực tiếp giữa các bé với bố mẹ; trong khi đi siêu thị, vào các trung tâm thương mại hay đi nhà hàng lại diễn ra trong khoảng thời gian quá ngắn và thường không đủ để các phụ huynh có thể thực sự ở bên cạnh, quan sát và hiểu con. Đó là lí do mà mô hình Kids’ Cafe ra đời – một không gian ấm cúng nơi mà bố mẹ và các bé có thể ở cùng nhau; các bé có thể chơi đùa trong một môi trường lành mạnh với những trò chơi nuôi dưỡng óc sáng tạo, các vị phụ huynh có thể vừa thư giãn, vừa dành thời gian bên con hay trò chuyện với các phụ huynh khác về việc nuôi dạy con; có đầy đủ đồ ăn thức uống khi các bé đói bụng và đặc biệt, các bố mẹ có thể dành ra nửa ngày, thậm chí là cả ngày trời ở trong không gian đó.

Bởi vậy, khác biệt lớn nhất của Kids Cafe so với các mô hình cà phê hay cơ sở ăn uống còn lại, đó là mang tới một không gian gần gũi như ở nhà.

2. Một quán Kids Cafe sẽ trông ra sao và bao gồm những yếu tố gì?

Hãy cùng phân tích mô hình của ,‘Lalina kids cafe’ – kids cafe đầu tiên tại Hà Nội để tìm hiểu xem những yếu tố quan trọng nào tạo nên một quán cafe/playdate cho gia đình theo đúng nghĩa.

Lalina Kids Cafe thực chất là một tiệm cà phê – nhà hàng cao cấp được xây dựng với phong cách rất ‘Tây’, hướng đến việc mang tới một không gian lành mạnh cho các bé có thể thoải mái vui chơi và các phụ huynh thì tận hưởng sự bình yên bên con cái. Không gian rộng rãi, bàn ghế được kê thành từng cụm nhỏ thay vì theo dãy dài như các quán cà phê khác, phù hợp cho từng gia đình một ngồi quây quần cùng nhau. Quán được trang trí bằng màu sắc tươi sáng, với tông màu chủ đạo là màu trắng và các gam màu pastel. Một số dịch vụ vui chơi cho trẻ em bao gồm cầu trượt, trò chơi xếp hình, chơi đồ hàng,… Ngoài ra còn có những chiếc bàn nhỏ để các em có thể vẽ tranh và tô màu cùng nhau.

,Menu quán không quá đa dạng mà bao gồm những món ăn hay đồ uống cơ bản mang phong cách châu Âu như spaghetti, pizza, súp bí ngô, cappuccino hay nước ép cam,… Quán có cả một menu riêng dành cho các bé bên cạnh menu cho người lớn. Mức giá cho các món ăn dao động từ khoảng 100k-400k cho đồ ăn và 70k-110k cho đồ uống và đồ tráng miệng. Đây là một mức giá trung bình đối với các quán cà phê và nhà hàng cao cấp.

3. Ưu điểm:

Một vài ưu điểm có thể kể đến của mô hình Kids Cafe này đấy chính là thực khách thường đi theo nhóm, một gia đình 4 người, hoặc thậm chí 2-3 gia đình có thể đi chung cùng với nhau đến một nhà hàng để cùng nhau trải nghiệm. Ngoài ra, những khách hàng này cũng luôn sẵn sàng chi tiêu, bởi đa phần vào đây họ đều là những gia đình có thu nhập tương đối tốt. Điều này giúp làm tăng giá trị mỗi đơn hàng cho nhà hàng và ổn định mức thu nhập của toàn bộ nhà hàng nếu tập khách hàng không thay đổi.

4. Khó khăn:

Bên cạnh hai ưu điểm trên phải kể đến một số khó khăn mà những người chủ mô hình Kids Cafe cần phải tính đến khi kinh doanh loại hình này. Trước tiên, không gian quán cần phù hợp với trẻ nhỏ. Đồ ăn cần có cho cả người lớn và trẻ em và đặc biệt, cần phù hợp với thói quen ăn uống của trẻ như không được có quá nhiều gia vị, không phải nhằn xương, nhiều rau củ quả tươi và cần được chế biến với màu sắc đẹp và trình bày lạ mắt để thu hút sự chú ý của trẻ. Bên cạnh đó, không gian vui chơi của trẻ cần phải được làm sạch thường xuyên để đảm bảo an toàn và vệ sinh – hai yếu tố hàng đầu mà các bậc phụ huynh quan tâm đến.

Bên cạnh những dịch vụ vui chơi thông thường của trẻ và cả dịch vụ ăn uống, Kids’ Cafe còn cần có một số các tiện ích khác đi kèm. Ví dụ, quán cần có khu chăm sóc riêng cho trẻ nhỏ như thay tã, cho ăn sữa; có khu chơi cho trẻ em dưới 5 tuổi (nhà bóng, lego, xe cộ,..) hay luyện các kỹ năng cơ bản (tập đi, tập leo cầu thang…). Cần lưu ý rằng những trò chơi ấy không được có các vật nhỏ mà trẻ dễ hóc. Ngoài ra, người chủ cũng có thể đầu tư những tiểu cảnh để chụp ảnh làm dáng cho bé (một chiếc đàn piano thu nhỏ, lều thổ dân, nhà bếp…). Đặc biệt, trên phông nền những tiểu cảnh này cần có logo tên quán ở những chỗ khách thường chụp ảnh để taqng độ nhận diện thương hiệu (brand awareness) dành cho quán.

Ngoài đầu tư về không gian và những dịch vụ đi kèm, người chủ cũng cần tính đến tình huống khi các hộ gia đình dành toàn bộ cả ngày ở Kids Cafe, và làm sao để tính toán chi phí doanh thu cho cẩn thận, ví dụ, liệu giá vé vào cửa cho các bé có nên đi kèm với đồ ăn không; và liệu có nên thu phụ phí với các trò chơi trong nhà hàng hay không,…

5. Một số chiến thuật giúp tăng doanh thu

Để tăng doanh thu cũng như lợi nhuận cho cơ sở kinh doanh của mình, chủ quán cà phê-nhà hàng có thể cân nhắc áp dụng một số ‘combo deal’ cho các nhóm khách hàng. Ví dụ, tăng khuyến mãi đi kèm cho nhóm khách hàng có từ 2 gia đình trở lên để kích cầu kinh doanh. Bạn cũng có thể tham khảo một vài hình thức khuyến mãi khác trong bài viết: ,Điểm hoà vốn – Công cụ mà mọi người chủ nhà hàng thành công đều phải nắm vững

Chiến thuật thứ hai mà những người chủ có thể áp dụng đó là ứng dụng nguyên tắc ‘có qua có lại’ (Principle of reciprocity) của Robert Cialdini. Nguyên tắc này cho rằng: mọi người thường thích những món quà mang tính cá nhân hoá (personalization) và khiến họ bất ngờ (surprise) – đây cũng chính là hai yếu tố hàng đầu giúp làm tăng sự hài lòng của khách hàng khi dùng bữa tại nhà hàng. Bạn có thể ứng dụng nguyên tắc này bằng cách dành tặng những món quà ‘personalized’ và ‘unexpected’ cho các bé vào các dịp đặc biệt (Noel, sinh nhật, Tết,…) để giúp các bé trở nên thích thú hơn. Bởi lẽ nụ cười của con trẻ chính là điều khiến cho các vị phụ huynh cảm thấy hạnh phúc nhất.

Xem thêm: ,Từ bỏ học cấp 3 thành người giàu nhất Singapore: bài học ‘Marketing 0 đồng’ từ ông chủ Haidilao

Sang.com.vn – Làm chủ dễ dàng

Xem ngay những mặt bằng phù hợp để nắm bắt ngay cơ hội kinh doanh cho riêng mình

Leave a Reply

%d bloggers like this: