5 mô hình nhà hàng thất bại thảm hại và những bài học kinh doanh ‘đắt giá’ cho mọi người chủ F&B

Bên cạnh những Starbucks, KFC, Mc Donalds thành công vang dội và trở thành những chuỗi nhà hàng lớn bậc nhất, trên thế giới cũng từng có những chuỗi hàng ăn từng phải đóng cửa hay sang nhượng đầy tiếc nuối, và chỉ còn là những kỉ niệm đối với trẻ em một thời. Trong bài viết hôm nay, Sang sẽ chia sẻ tới bạn đọc 5 mô hình từng thất bại thảm hại và những bài học kinh doanh vô cùng ‘đắt giá’ cho những người chủ F&B nhé.

  • Từ bỏ học cấp 3 thành người giàu nhất Singapore: bài học ‘Marketing 0 đồng’ từ ông chủ Haidilao
  • 1. Howard Johnson’s

    Howard Johnson’s Restaurant là chuỗi nhà hàng ăn nhanh được thành lập vào năm 1925 bởi doanh nhân người Mỹ Howard Deering Johnson. Chuỗi nhà hàng này từng được mệnh danh là “ông vua đường phố” (king of the road) tại nước Mỹ. Vào thời ‘hoàng kim’ của chuỗi nhà hàng này những năm 1960, Howard Johnson’s từng phục vụ ‘nhiều bữa ăn hơn bất kể một cơ sở kinh doanh nào khác, và chỉ đứng sau Hải quan Mỹ về số lượng trên toàn nước Mỹ’.

    Tuy nhiên, tình hình ấy không kéo dài được bao lâu. Vào năm 1979, chuỗi nhà hàng này được bán lại với giá $630 triệu đô và bước vào thập niên 80 với sự tụt dốc thê thảm. Với sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới nhạy bén hơn với sự thay đổi về xu hướng thị trường cũng như khẩu vị người dùng, HoJo từ từ bị chìm vào quên lãng. Kết thúc thế kỉ 20, chuỗi nhà hàng lừng danh ngày nào chỉ còn sót lại đâu đó dưới 10 cửa hàng, trở thành một phần hồi ức của những người từng cầm trên tay cốc kem mang thương hiệu Howard Johnson của ngày xưa.

    Bài học rút ra:

    Để kinh doanh thành công, cần luôn luôn biết nắm bắt và nhạy cảm với thị hiếu, xu hướng và khẩu vị của khách hàng. Bởi lẽ tại thị trường F&B, xu hướng mới được cập nhật không ngừng. Song song với đó là khẩu vị và thói quen, sở thích ăn uống của khách hàng cũng liên tục thay đổi, nên nếu muốn tồn tại và phát triển, các nhà hàng luôn luôn phải tự ‘làm mới mình’ để trở nên hấp dẫn đối với thực khách.

    • KFC đã làm gì để trở thành món truyền thống trong lễ Giáng Sinh của người Nhật
    • 2. Beefsteak Charlie’s

      Beefsteak Charlie’s từng là một phần quan trọng của văn hoá pop tại New York kể từ khi được thành lập vào giữa những năm 1970. Các chương trình truyền hình được quay tại đây, từ series đình đám ‘Friends’ tới ‘Saturday Night Live’, đều nhắc tới chuỗi nhà hàng này trong các tập của họ. Mọi đứa trẻ lớn lên tại New York vào những năm 1980 đều yêu thích Beefsteak Charlie’s, bởi chỉ với $20 lúc bấy giờ, chúng có thể ăn ‘tẹt ga’ một phần ăn lớn với đầy đủ tôm, thịt, salad,… Vào năm 1984, ước tính có tới trên dưới 60 nhà hàng của cả chuỗi ở những khu phố sầm uất tại thành phố New York.

      Tuy nhiên, vào năm 1987, Beefsteak Charlie’s bất ngờ được bán lại cho Bombay Palace Restaurants và nhanh chóng ‘mất hút’ khỏi thị trường sau đó. Mặc dù khẩu hiệu của hãng là ‘Tôi sẽ mang tới cho bạn một bữa ăn như không có ngày mai’(“I’ll feed you like there’s no tomorrow”), đáng buồn thay, ‘ngày mai’ ở đây lại chính là những năm cuối của thập niên 80 thế kỉ trước.

      Bài học rút ra:

      Một trong số những nguyên nhân được cho là đã khiến Beefsteak Charlie’s thất bại thảm hại chính là sự thiếu tính nhất quán (inconsistency) giữa hình thái thương hiệu (brand assets) và ý niệm quảng bá tới khách hàng (marketing concept). Cụ thể, thương hiệu tên là ‘Beefsteak Charlie’s’ nhưng lại đi theo concept ‘all-you-can-eat salad bar’, vốn không liên quan gì đến chính cái tên ban đầu của thương hiệu. Hai logo của thương hiệu, “I’ll feed you like there’s no tomorrow” và “You’re gonna get spoiled” mang sắc thái tinh nghịch, lém lỉnh; vốn không ăn nhập với sự ‘sang trọng’ của beefsteak hay ý nghĩa đề cao sức khoẻ mà mô hình salad bar nên có. Việc liên tục thay đổi tên như Lifestyle (1985) hay Bombay Palace (1987) càng khiến độ nhận diện thương hiệu (brand recognition) đối với các khách hàng bị giảm đi đáng kể. Sự thất bại của chiến dịch Marketing đóng phần lớn dẫn tới sự thất bại của cả chuỗi nhà hàng vào năm 1987.

      • Hoàng Ngân Hà, cô chủ 2 chuỗi nhà hàng Delisa Salad và Tapastic: “Authenticity is key”
      • 3. Sambo’s

        Sambo’s Pancake là chuỗi nhà hàng pancake được thành lập năm 1957 tại Santa Barbara, California. Tại thời kì hoàng kim của mình vào cuối thập niên 70, Sambo từng có tới hơn 1100 cửa hàng tại 47 bang khác nhau trên khắp nước Mĩ. Cái tên ‘Sambo’ được ghép từ những chữ cái đầu tiên của hai người chủ nhà hàng: Sam Battistone và Newell F. Bohnett. Tuy nhiên, ‘Sambo’ cũng là thuật ngữ dùng để phỉ báng những người Mỹ gốc Phi; và đây cũng chính là một trong số những nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của chuỗi nhà hàng Sambo – khi khách hàng quan tâm nhiều hơn tới thương hiệu bên cạnh chất lượng món ăn và những phong trào đòi quyền bình đẳng sắc tộc cho người da màu phát triển rầm rộ tại nước Mỹ. Người dân Mỹ thậm chí còn từng xuống đường biểu tình chống lại chính Sambo vì thông điệp phân biệt chủng tộc mà hãng mang đến dựa trên cái tên của mình.

        Đến cuối cùng, Sambo phải đổi tên hàng loạt cơ sở của mình thành ‘No Place Like Sam’s’ hay ‘Jolly Tiger’. Nhưng lúc này đã là quá muộn, và Sambo’s phải chính thức đóng cửa vào những năm cuối thế kỉ 20.

        Bài học rút ra: Tên thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành bại của thương hiệu. Bởi vậy, trước khi lựa chọn tên gọi cho thương hiệu của mình, hãy cân nhắc thật cẩn thận vì rất có thể bạn và thương hiệu của bạn sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

        4. Chicken George

        Ted N. Holmes lập nên nhà hàng Chicken George vào năm 1979, và chuỗi nhà hàng của ông nhanh chóng trở thành một trong số những chuỗi nhà hàng gà rán tư nhân lớn nhất nước Mỹ. Một đoạn phim quảng cáo năm 1980 thậm chí còn chiếu rằng, cáckhasch hàng của Chicken George cho biết gà rán của hãng còn ngon hơn cả gà rán mà mẹ của họ làm ở nhà. Đoạn phim gây tranh cãi này đã tạo nên một chiến dịch quảng bá có 1-0-2, khiến cho tên tuổi của Chicken George được ngày càng nhiều người biết đến.

        Tuy nhiên, theo thời báo The Washington Post, ông chủ của Chicken George, Ted Holmes, là người ‘không am hiểu về dòng tiền’ (“knew little about cash flow”). Nói cách khác, mặc dù chiến dịch quảng bá giúp độ phủ sóng của Chicken George diễn ra khá thuận lợi, vốn hiểu biết tài chính ‘gần như bằng không’ của nhà sáng lập đã khiến Chicken George phải trả một cái giá đắt. Cụ thể, Chicken George phải đóng cửa vào năm 1986, khi Holmes quyết định giải thể đứa con tinh thần của mình do khoản nợ $1.4 triệu đô đối với các nhà đầu tư. Thật không may, bởi dẫu món gà rán có ngon như thế nào đi chăng nữa nhưng đến cuối cùng, việc nhà hàng kinh doanh thất bại đã mang tới nỗi thất vọng cho những người hâm mộ của Chicken George một thời.

        Bài học rút ra: bên cạnh việc quảng bá thương hiệu tới các tập khách hàng, sức khoẻ tài chính (financial health) cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ ‘thuơng trường là chiến trường’, việc chỉ tập trung vào những chiến dịch quảng bá hào nhoáng mà quên đi cốt lõi thực sự của kinh doanh là tạo ra lợi nhuận cũng là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại trong mô hình kinh doanh của bạn.

        5. Burger Chef

        Burger Chef là chuỗi cửa hàng ăn nhanh được thành lập vào năm 1954 tại Indiana, Hoa Kỳ. Trong thời kì hoàng kim của mình vào những năm 1970, hãng từng có tới 1200 cửa hàng lớn nhỏ khác nhau trên toàn nước Mỹ, và được xem như một đối thủ ‘nặng kí’ với McDonald’s tại thời điểm đó. Đối với trẻ con thời bấy giờ, Burger Chef chính là lựa chọn hàng đầu cho mỗi bữa ăn của chúng. Nhà hàng nổi tiếng với chiến dịch ‘The Fun Meal’ vào những năm đầu thập niên 70, với chú mascot Jeff và những câu chuyện liên quan tới ảo thuật gia Burgerini, ma cà rồng Count Fangburger, phù thuỷ Cackleburger và khỉ đột Burgerilla.

        Năm 1979, McDonald’s lập nên chiến dịch ‘Happy Meal’ (bữa ăn vui vẻ). Thật không may thay, Burger Chef không thể vượt lên và cuối cùng, bị bán lại cho những người chủ của Hardee’s vào đầu những năm 1980.

        Bài học rút ra: nguyên nhân khiến việc kinh doanh của bạn trở nên thất bại có thể chỉ đơn giản là do sự ‘lấn áp’ của những ‘ông lớn’ khác. Luôn ghi nhớ rằng ‘Thất bại là mẹ thành công’. Bởi vậy, hãy luôn luôn không ngừng học hỏi, không ngừng cố gắng và sẵn sàng trải nghiệm để có thể tìm ra cho mình một hướng đi phù hợp nhất và mô hình kinh doanh bền vững nhất.

        Sang.com.vn – Làm chủ dễ dàng

        Xem ngay những mặt bằng phù hợp để nắm bắt ngay cơ hội kinh doanh cho riêng mình

Leave a Reply

%d bloggers like this: