Những nguyên tắc cơ bản nhất cần nắm vững để sang nhượng mặt bằng cho thuận lợi

Một trong số những điều kiện tiên quyết của việc kinh doanh phát đạt là tìm được cho mình một mặt bằng thật sự phù hợp giúp bạn có thể tận dụng tối đa các điều kiện xung quanh nó và ‘ăn nên làm ra’.  Nếu bạn là người chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đang cần tìm thuê mặt bằng cho một quán ăn mới mở, hay chỉ đơn giản muốn tìm kiếm một mặt bằng phù hợp và thuận tiện hơn cho công việc kinh doanh hiện tại của mình, bài viết này là dành cho bạn. Hãy cùng Sang tìm hiểu, khi sang nhượng mặt bằng, đâu sẽ là những khoản phí mà bạn phải trả và đâu sẽ là những quyền lợi mà bạn được hưởng nhé.

1. Các khoản phí bạn cần trả khi nhận lại mặt bằng được sang nhượng:

a. Các tài sản có thể quy đổi thành tiền mặt:

Như chính tên gọi của mình, nhóm tài sản có thể quy đổi thành tiền mặt là các tài sản hữu hình, và chúng mang một giá trị nhất định được quy đổi thành tiền mặt trên thị trường mua bán. Đa phần khối tài sản này sẽ thường được sang nhượng cùng một lúc, có nghĩa là, trị giá của chúng được tính gộp lại khi sang nhượng thay vì chia nhỏ theo giá lẻ của từng món.

Có nhiều loại tài sản hữu hình có thể quy đổi bằng tiền mặt mà bạn cần lưu ý khi sang nhượng, nhưng các tài sản ấy sẽ chủ yếu được chia thành 4 nhóm chính sau đây:

Cơ sở vật chất phục vụ khách: bao gồm bàn ghế, quạt, máy lạnh,… và những thiết bị trực tiếp được sử dụng cho việc cung cấp dịch vụ nhà hàng cho khách đến ăn.

Các trang thiết bị bếp: tủ lạnh, tủ đông, lò vi sóng,… Đây là các trang thiết bị được đặt trong khu bếp, tham gia trực tiếp vào quá trình chế biến nguyên liệu để tạo thành các món ăn ngon cho thực khách

Hệ thống quản lí dữ liệu: Máy tính, máy POS và phần mềm quản lí,… được sử dụng để quản lí thông tin nhà hàng, lịch làm việc, thông tin cá nhân của quản lí và nhân viên, thậm chí có thể là thông tin cá nhân của các khách hàng (thân thiết)

Hệ thống an ninh & an toàn: Camera và các thiết bị an ninh, chuông báo cháy,… để đảm bảo sự vận hành an toàn và đảm bảo chất lượng tuyệt đối cho mọi công tác hoạt động của nhà hàng.

Khi nhận lại các tài sản này, người chủ mới cần kiểm tra kĩ, đảm bảo mỗi tài sản đều còn có thể sử dụng ổn định, không bị hỏng hóc hay tốn công năng sử dụng,  gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của nhà hàng.

b. Các tài sản không thể quy đổi thành tiền mặt:

Tài sản không thể quy đổi thành tiền mặt là loại tài sản không thể được định giá theo hình thức thông thường: dựa trên giá thị trường hay giá trị tạo ra bởi tài sản. Loại tài sản này được chia thành hai nhóm chính: cơ sở dữ liệu và các loại hợp đồng, giấy tờ. Việc định giá loại tài sản này khó hơn nhiều so với loại tài sản có thể quy đổi thành tiền mặt, bởi lẽ giá trị mà chúng tạo ra phụ thuộc khá nhiều vào chủ quan người sử dụng và trên thị trường không có một mức giá cụ thể cho việc định giá tài sản vô hình.

Cơ sở dữ liệu: bao gồm thông tin liên hệ của khách hàng thân thiết, các nhà cung cấp,…

Cần phân biệt rõ sự khác biệt giữa cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lí dữ liệu (thuộc nhóm tài sản hữu hình), bởi việc định giá hệ thống máy móc quản lí có thể dựa vào thông tin sản phẩm trên thị trường cũng như hạn mức sử dụng của phần mềm quản lí. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu là một loại tài sản không dễ định giá bởi giá trị thực sự mà loại tài sản này tạo ra còn phụ thuộc vào cách người chủ nhà hàng sử dụng và tối ưu hoá nguồn dữ liệu để mang về nguồn lợi tốt nhất cho cơ sở kinh doanh của mình.

Các loại hợp đồng, giấy tờ: giấy tờ nhà đất, cam kết với chính quyền địa phương, cung cấp nguyên vật liệu, hợp tác với các dịch vụ giao hàng, hợp đồng lao động. Các loại giấy tờ, hợp đồng này không trực tiếp tạo ra lợi nhuận, nhưng chúng là những công cụ pháp lí bảo vệ cho nhà hàng và giúp giảm thiểu những rủi ro cũng như mức phạt tiền đến từ các rủi ro mà nhà hàng gặp phải. Nói cách khác, nếu các loại giấy tờ, hợp đồng làm ăn đều minh bạch và có chứng nhận đàng hoàng, chủ nhà hàng sẽ có thể tránh được những hình phạt của pháp luật, từ đó, bảo toàn được sự hoạt động của nhà hàng và cả lợi nhuận thu được từ các hoạt động kinh doanh.

Khi nhận lại các tài sản này, cần lưu ý đảm bảo giấy tờ, hợp đồng của bạn còn phù hợp với các quy định hiện hành; cơ sở dữ liệu cần hợp lệ và có tính đóng góp cho các hđ kinh doanh của nhà hàng về sau.

2. Một số nghĩa vụ của người nhận lại mặt bằng sang nhượng:

a. Đối với khách hàng

Nếu nhà hàng của bạn đã có một lượng khách hàng nhất định và bạn muốn chuyển sang một mặt bằng mới thuận tiện hơn, hãy luôn đảm bảo chắc chắn rằng bạn cập nhật đầy đủ thông tin chuyển địa điểm tới tập khách hàng hiện có của bạn. Điều này sẽ giúp họ nắm bắt được tình hình kịp thời và biết “điểm đến mới” của họ khi họ muốn ghé thăm nhà hàng của bạn. Liên lạc với khách hàng về địa điểm, nơi chốn là một nút thắt quan trọng trong việc kết nối giữa thương hiệu kinh doanh của bạn với những điểm chạm tới khách hàng, và giúp cho bạn giữ gìn được tập khách hàng mà bạn có. 

Tất nhiên, việc chuyển địa điểm kinh doanh cũng đi kèm với rủi ro mất đi một phần tập khách hàng vì lí do khoảng cách. Ước tính trung bình một năm, mỗi doanh nghiệp mất đi khoảng 10 tới 25% lượng khách hàng mà họ hiện có, và việc chuyển đổi mặt bằng kinh doanh cũng là một trong sô những lí do tạo nên con số này. Bởi vậy, ngoài những giá trị vật chất tài chính, hãy chú ý tới sự ảnh hưởng của việc chuyển địa điểm lên tập khách hàng của bạn nhé.

Mặc dù có những rủi ro nhất định trong việc mất đi những người khách cũ, việc chuyển địa điểm có thể mang tới cho nhà hàng của bạn một lượng khách hàng mới – đó chính là các hộ dân cư xung quanh. Nếu nhà hàng của bạn kinh doanh thuận lợi và được lòng người dân trong vùng lân cận, lượng dân cư xung quanh rất có thể sẽ  bù đắp cho tập khách hàng đã mất trước kia. Một lần nữa, bạn – người chủ nhà hàng – cần xem xét tính khả thi của việc liệu tập khách tiềm năng mới có bù đắp được lượng khách đã mất hay không.

b. Đối với các nhà cung cấp

Ngoài trách nhiệm thông báo với khách hàng, chủ nhà hàng cũng cần nói chuyện với các nhà cung cấp, đặc biệt là các nhà cung cấp thực phẩm và nguyên liệu lâu năm để có thể đưa ra phương án điều chỉnh về việc giao và nhận hàng sao cho hiệu quả. Nếu mặt bằng được sang nhượng cho bạn nằm ở một tỉnh hay thành phố khác, bạn có thể cân nhắc việc cộng tác với các nhà cung cấp địa phương để có nguồn nguyên liệu tươi sạch hơn và giảm giá thành vận chuyển.

Trên đây là một số nguyên tắc cơ bản bạn cần nắm vững nếu muốn tìm kiếm một mặt bằng kinh doanh phù hợp nhất cho nhà hàng của mình. Nếu bạn có câu hỏi gì, hãy để lại dưới phần bình luận hay gửi tin nhắn về Facebook của Sang.com.vn nhé. Nếu bạn cần những gợi ý tìm mặt bằng phù hợp, hãy tham khảo phần listing của Sang dưới đây.

Chúc bạn thành công!

Leave a Reply

%d bloggers like this: